Thursday, February 6, 2014

[Tâm lý] Confirmation Bias - Thiên kiến xác nhận (You are not so smart series 1)

Con người có xu hướng tìm kiếm thông tin và bằng chứng củng cố suy nghĩ của mình hơn là tìm hiểu những ý kiến trái ngược. Điều này được gọi là Thiên kiến xác nhận. Thiên kiến này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, cũng như nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực liên quan tới việc ra quyết định như: đầu tư, nhân sự, chính trị,... Hiểu về nó sẽ giúp bạn có cái nhìn gần với sự thật hơn.



Motivation: Bài báo mang tựa "The New-boy Network: What do job interviews really tell us?" (không nhớ tựa tiếng Việt) trích từ cuốn "What the dog saw" của Malcolm Gladwell. Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của Nolan Myers, một sinh viên mới ra trường được 3 nhà tuyển dụng lớn chào đón: tác giả, nhà tuyển dụng của Tellme (một công ty trong mơ ở Silicon Valley) và CEO của Microsofts dù mới tiếp xúc với cậu trong thời gian khá ngắn, lần lượt: tầm 90', gần 1 tiếng, vài chục giây.

Câu chuyện không tập trung ở lý do Myers được ưa thích mà ở chỗ, liệu chỉ qua một buổi gặp gỡ, hay thậm chí là vài chục giây có đủ để một người đưa ra đánh giá về một người khác hay không???

Câu trả lời là có. Người ta không gặp khó khăn gì trong việc đánh giá người khác dủ chỉ tiếp xúc có ... 2s. Bài báo đồng thời dẫn chứng một thí nghiệm chứng minh: con người có xu hướng nhìn nhận mình có cảm tình với người khác hay không chỉ trong 2s đầu tiếp xúc.

Câu hỏi tiếp theo: Đánh giá này có đúng hay không???

Câu trả lời: có thể đúng có thể sai. Đương nhiên, để biết và hiểu 1 người, 2s cũng giống như "nhìn mặt mà bắt hình dong", trong bài báo cũng viết: việc tiếp xúc với 1 người 1 lần giống như thu mẫu một hiện tượng, xác suất chính xác khó biết đâu mà lường.

Hậu quả: Như ở trên, trong 2s đầu một người bình thường đã quyết định mình thích hay không thích 1 người, và sau đó, các đánh giá tiếp sau đều chịu ảnh hưởng của sự nhìn nhận đầu tiên này (ít nhất trong ngắn hạn).

Bài viết này đề cập tới một vấn đề tôi từng nghe sơ qua trong cuốn "You are not so smart", một cuốn tâm lý học, đề cập tới những lầm tưởng con người tưởng mình biết mà hóa ra lại không.

Lầm tưởng bên trên đề cập đến gọi là "Confirmation Bias", và không chỉ giới hạn trong đánh giá con người:

Bạn cho rằng: Nhận định của mình là đúng đắn, có được sau thời gian dài đúc rút kinh nghiệm một cách hợp lý, khách quan.

Sự thực là: Nhận định của bạn thực ra rút ra sau một thời gian dài chú ý vào các thông tin khẳng định niềm tin của bạn, trong khi lại lờ đi những gì trái ngược với nó.

Cuốn sách đề cập tới một ví dụ tương đối thú vị, về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008. Nhà nghiên cứu Valdis Krebs ở orgnet.com phân tích xu hướng mua sách trên Amazone và phát hiện ra những người ủng hộ Obama cũng đồng thời là những người mua các cuốn sách nói tốt cho ông.

Người ta không mua sách để có thêm thông tin, mà để khẳng định niềm tin của họ. Bạn muốn cách nhìn nhận thế giới của bạn là đúng, nên bạn tìm kiếm các thông tin khẳng định niềm tin của mình, và lờ đi các bằng chứng và ý kiến trái ngược.

Một ví dụ tương tự được tiến hành ở Đại học Minnesota vào năm 1979 do Mark Snyder và Nancy Canter tiến hành. Trong đó, người ta đọc thông tin về cuộc sống hàng ngày trong 1 tuần của một cô Jane tưởng tượng nào đó. Trong tuần, cô Jane làm cả những việc cho thấy cô là một người hướng nội, cũng như những việc cho thấy cô là người hướng ngoại.

Các ứng viên được chia thành các nhóm: nhóm 1 được hỏi liệu cô có hợp làm thủ thư không, nhóm 2 được hỏi liệu cô có hợp làm người môi giới nhà đất không. Trong nhóm thủ thư, người ta nhớ cô là 1 người hướng nội, trong khi nhóm môi giới lại nhớ cô là người hướng ngoại. Sau đó, người ta lại hỏi liệu cô có hợp với nghề khác nghề gợi ý ban đầu không, kết quả là những người được hỏi giữ nguyên đánh giá ban đầu của mình.

Qua hàng năm, không bao giờ tìm tới các thông tin trái ngược, trong khi lại sưu tầm ngày càng nhiều thông tin cùng chiều với niềm tin, người ta càng trở nên tự tin vào cách nhìn nhận của mình, cho tới khi trở thành định kiến không thể thay đổi.

Tôi cũng xin góp vui một ví dụ tôi chứng kiến. Một người bạn tôi quen, có lẽ trải qua một số chuyện nên rất tin vào tâm linh. Có một thời gian ầm ỹ vụ chương trình "Như chưa bao giờ có cuộc chia ly" đưa thông tin Phan Thị Bích Hằng tìm mộ liệt sĩ lại ra mảnh sành và răng heo. Sau đó có rất nhiều thông tin trái chiều, có thông tin nêu một loạt những vụ tìm nhầm mộ, có thông tin lại bảo MC chương trình làm vậy để hạ thấp uy tín PTBH nhằm đưa khách về công ty tìm mộ mà cô này có cổ phần.

Tôi không biết thực hư câu chuyện ra sao. Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy là phản ứng của người anh trước các thông tin. Trước tin đầu tiên, giọng điệu anh khá bình tĩnh, nêu các luận điểm bảo vệ, chỉ ra các điểm vô lý trong tin "Như chưa bao giờ có cuộc chia ly" đưa ra. Tuy nhiên khi tin thứ 2 đưa lên thì lại tin tưởng ngay, mặc dù đó chỉ là 1 bài viết chưa hề được xác thực.

Thiên kiến này đôi khi cũng không phải toàn gây hại. Tôi biết rất nhiều người quen của mẹ tôi, vốn là giảng viên Hóa trong 1 trường đại học có con cái giỏi các môn tự nhiên. Một phần của sự thành công trong học tập đó theo tôi là thiên kiến họ có năng khiếu (nhờ đó mà họ tự tin hơn, yêu thích và say mê hơn, được đầu tư nhiều hơn, cố gắng hơn...).

Tác động của thiên kiến này xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Như ví dụ ở trên trong tuyển dụng, chính trị. Trong đầu tư, một người được nghe trước những điều tốt đẹp, có ấn tượng ban đầu tốt đẹp về một công ty sẽ dễ rơi vào thiên kiến tìm thêm những thông tin củng cố điều này.

Lời khuyên: Khoa học cho thấy bạn sẽ tới gần sự thật hơn khi tìm các bằng chứng trái ngược niềm tin của mình. Có thể trong cuộc sống hàng ngày, đây cũng là một phương pháp hữu dụng.

Bài học rút ra:
1. Cố mà gây ấn tượng tốt trong 2s đầu gặp mặt.
2. Để nhìn nhận mọi việc xác đáng, hãy thử đi tìm những bằng chứng và tài liệu trái với ấn tượng ban đầu của bạn.

No comments:

Post a Comment