Question: Nếu bạn gặp tai nạn, bạn nghĩ mình sẽ có nhiều khả năng được trợ giúp khi ở đâu?
1. Trên đường phố đông người
2. Ở vùng nông thôn thưa thớt người qua lại
Mấy năm trở lại, thi thoảng báo mạng lại đăng một vài vụ việc về tình trạng suy đồi đạo đức của con người, gần đây nhất tôi nhớ là vụ người dân lân cận đổ ra cướp một xe tải chở bia bị đổ.
Chuyện này làm tôi nhớ lại một cuộc thảo luận trước kia tôi từng tham gia nói về tình trạng vô cảm của người Trung Quốc. Theo tôi nhớ, câu truyện bắt đầu từ một bài báo dịch những người trên đường phố đã vô cảm bỏ mặc một em bé bị nạn.
http://m.tin247.com/clip_tai_nan_thuong_tam_va_vo_cam_o_trung_quoc-2-22069332.html
Đã có nhiều người cố gắng giải thích cho hiện tượng này, nào là do bản chất dân tộc, nào là do mặt trái của xã hội phát triển, cơ chế thị trường, tình trạng lừa đảo,... Tuy nhiên, bài viết này sẽ đề cập tới hiện tượng trên dưới góc độ tâm lý con người, tóm lại là người Việt Nam vô cảm, người Mỹ vô cảm, người Hà Lan vô cảm,... người Trái Đất vô cảm... chứ không riêng người Trung Quốc vô cảm.
Năm 1968, Eleanor Bradley bị ngã và gãy chân trong một cửa hàng đông người qua lại. Trong 49 phút, mọi người chỉ đi qua và đi xung quanh cô cho tới khi một người đàn ông thấy có điều gì đó bất thường. Năm 2000, 1 nhóm thanh niên tấn công 60 người phụ nữ tại Central Park ở New York. Hàng ngàn người chỉ nhìn, không ai gọi điện cho cảnh sát. Tìm lại thì được một số link sau đây:
http://www.nytimes.com/2000/07/11/nyregion/trials-of-men-charged-in-central-park-attacks-may-begin-in-fall.html
Hiện tượng này gọi là Hiệu ứng bàng quan (bystander effect). Các nhà tâm lý học xác định rằng càng nhiều người hiện diện khi một người cần trợ giúp khẩn cấp, người ta càng ít muốn giúp đỡ.
Năm 1970, 2 nhà tâm lý học Bibb Latane và John Darley làm một thí nghiệm giả đánh rơi bút chì hay tiền xu 6000 lần. Thí nghiệm được thực hiện khi họ ở nơi đông người, hoặc khi họ chỉ ở gần 1 người thôi. Kết quả là 20% số lần ở gần nhiều người có người nhặt giúp đồ, và con số này là 40% khi có 1 người.
Họ tiếp tục thực hiện 1 thí nghiệm táo bạo hơn. Trong thí nghiệm họ thuê vài người điền vào bảng trả lời câu hỏi. Sau đó vài phút họ thả khói vào căn phòng. Họ thực hiện 2 thí nghiệm. Thí nghiệm thứ nhất, người trả lời ở 1 mình, thí nghiệm thứ 2, có 3 người ở cùng 1 chỗ. Khi 1 mình, mọi người mất khoảng 5s phát hiện và lo lắng. Trong khi ở trong nhóm, người ta mất 20s mới chú ý. Khi một mình, đối tượng phát hiện ra khói, chạy khỏi phòng để báo về vụ việc. Còn khi ở trong nhóm, họ chỉ ngồi và quan sát người còn lại tới khi khói dày tới mức họ không nhìn thấy bảng câu hỏi nữa. Chỉ có 3/8 người chạy khỏi phòng và họ mất tầm 6 phút mới đứng dậy.
Sự xấu hổ là nguyên nhân gây ra phản ứng trong nhóm. Bạn thấy khói, nhưng bạn không muốn người ta nghĩ bạn là kẻ ngốc, nên bạn ngó quanh những người xung quanh để xem họ đang làm gì. Và ai cũng nghĩ vậy, Không ai phản ứng, và không ai thấy dấu hiệu cảnh báo. Người thứ 3 thấy 2 người còn lại bình thường, họ bớt sợ hơn.
Ai cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác về thực tế, do một hành vi tâm lý khác tên là ảo tưởng về tính minh bạch (illusion of transparency). Bạn có xu hướng nghĩ một người khác nhìn vào bạn có thể nói cho bạn biết bạn nên nghĩ và cảm thấy gì. Thực tế là họ không thể, họ cũng nghĩ điều tương tự. Cuối cùng dẫn tới vô tri đa nguyên (pluralistic ignorance) - trạng thái mà tất cả mọi người đều nghĩ chung một điều nhưng lại nghĩ rằng mình là người duy nhất nghĩ như vậy.
Sau khi khói phủ đầy căn phòng, tất cả những người thí nghiệm cho biết trong lòng đều hoảng sợ, nhưng do chẳng ai có vẻ có biểu hiện gì cả, nên họ cho rằng chắc chỉ do họ lo lắng vậy thôi.
Các nhà khoa học tiếp tục đẩy thí nghiệm tiến xa hơn. Những người tham gia cũng trả lời câu hỏi trong phòng, trong khi ở một căn phòng gần đó, một phụ nữ la hét như thể bị gãy chân. Khi 1 mình, 70% số người rời phòng xem có chuyện gì xảy ra không. Khi ở trong nhóm, chỉ có 40%.
Hiệu ứng bàng quan càng trở nên mạnh mẽ khi bạn nghĩ người cần giúp đỡ bị tấn công bởi người quen của người đó.
Năm 1978, Lance Shotland và Margret Straw thực hiện 1 thí nghiệm cho mọi người thấy cảnh 1 cặp nam nữ đánh nhau, và nhận thấy mọi người đa phần không can thiệp khi người phụ nữ nói "Tôi không biết tại sao tôi lại lấy anh". 65% giúp khi cô này hét lên "Tôi không quen anh".
Ngoài ra, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần một người giúp đỡ là những người khác cũng cùng tham gia giúp. Bất kể là hiến máu, nhờ giúp thay lốp xe, làm rơi tiền, hay can thiệp vào trận xô xát, đều chỉ ra mọi người xúm vào giúp khi thấy một người làm gương.
######## (Đoạn này dùng ngôn từ chủ quan cá nhân)
Bài học:
Khi gặp nạn, nên kêu cứu một cách thông minh. Đừng kiểu la làng "Ối zời ơi, thằng zời đánh này nó đánh tôi" người ta tưởng mình quen nó mà không giúp thì khổ.
Thứ hai, không nên vì thiên kiến mà nhìn nhận sự việc lệch lạc. Do không thích một cái gì đó, mà cho rằng mọi thứ liên quan tới nó đều xấu xa mà bỏ qua những gì tốt đẹp, có thể học hỏi được là không nên. Việc nhiều người ghét mọi thứ liên quan tới Trung Quốc chắc cũng không khác gì ngày xưa coi mọi thứ liên quan tới tư bản đều là xấu xa.
Thứ ba, học cách quan sát thông minh. Bạn nên là người thông minh, chứ đám đông họ cũng không thông minh lắm đâu. Khó nhỉ. Phân biệt thật giả thật là khó.
Thứ tư, mình chuyên gõ sai từ thí nghiệm thành thí nghiệp =.=.
Notes:
Hiện tượng này đã được nhiều người viết (mấy vụ vô cảm thu hút nhiều sự chú ý mà). Tuy nhiên, thứ nhất nó nằm trong quyển You are not so smart, thứ 2 tôi thấy nó thú vị, thứ 3 người ta cũng không có dịch và nêu ra các thí nghiệm về hiện tượng này, nên viết lại chắc cũng không thừa thãi lắm.
Một trong những chuyện hay được trích dẫn về vấn đề này là vụ Kitty Genovese bị đâm chết gần khu phố cô ở. Báo chí hay mô tả vụ việc 38 nhân chứng thấy cô bị tấn công và không ai can thiệp. Tuy nhiên vừa đọc lại Wiki vụ này, thực tế là cô gái bị tấn công 3 lần ở 3 nơi khác nhau, có những chỗ khuất, và các nhân chứng không để ý và biết được sự nghiêm trọng của vụ việc, đa phần nghĩ đó là vụ tranh cãi giữa 1 cặp. Một số nhà tâm lý học cho rằng vụ việc này không phải ví dụ rõ ràng về Hiệu ứng bàng quan. Tôi đồng quan điểm với họ.
http://en.wikipedia.org/wiki/Murder_of_Kitty_Genovese (Chi tiết về vụ việc)
No comments:
Post a Comment