Friday, February 28, 2014

Người Trung Quốc vô cảm và Hiệu ứng bàng quan (You are not so smart series 2)

Question: Nếu bạn gặp tai nạn, bạn nghĩ mình sẽ có nhiều khả năng được trợ giúp khi ở đâu?
1. Trên đường phố đông người
2. Ở vùng nông thôn thưa thớt người qua lại

Mấy năm trở lại, thi thoảng báo mạng lại đăng một vài vụ việc về tình trạng suy đồi đạo đức của con người, gần đây nhất tôi nhớ là vụ người dân lân cận đổ ra cướp một xe tải chở bia bị đổ.


Chuyện này làm tôi nhớ lại một cuộc thảo luận trước kia tôi từng tham gia nói về tình trạng vô cảm của người Trung Quốc. Theo tôi nhớ, câu truyện bắt đầu từ một bài báo dịch những người trên đường phố đã vô cảm bỏ mặc một em bé bị nạn.
http://m.tin247.com/clip_tai_nan_thuong_tam_va_vo_cam_o_trung_quoc-2-22069332.html

Đã có nhiều người cố gắng giải thích cho hiện tượng này, nào là do bản chất dân tộc, nào là do mặt trái của xã hội phát triển, cơ chế thị trường, tình trạng lừa đảo,... Tuy nhiên, bài viết này sẽ đề cập tới hiện tượng trên dưới góc độ tâm lý con người, tóm lại là người Việt Nam vô cảm, người Mỹ vô cảm, người Hà Lan vô cảm,... người Trái Đất vô cảm... chứ không riêng người Trung Quốc vô cảm.

Năm 1968, Eleanor Bradley bị ngã và gãy chân trong một cửa hàng đông người qua lại. Trong 49 phút, mọi người chỉ đi qua và đi xung quanh cô cho tới khi một người đàn ông thấy có điều gì đó bất thường. Năm 2000, 1 nhóm thanh niên tấn công 60 người phụ nữ tại Central Park ở New York. Hàng ngàn người chỉ nhìn, không ai gọi điện cho cảnh sát. Tìm lại thì được một số link sau đây:

http://www.nytimes.com/2000/07/11/nyregion/trials-of-men-charged-in-central-park-attacks-may-begin-in-fall.html

Hiện tượng này gọi là Hiệu ứng bàng quan (bystander effect). Các nhà tâm lý học xác định rằng càng nhiều người hiện diện khi một người cần trợ giúp khẩn cấp, người ta càng ít muốn giúp đỡ.

Năm 1970, 2 nhà tâm lý học Bibb Latane và John Darley làm một thí nghiệm giả đánh rơi bút chì hay tiền xu 6000 lần. Thí nghiệm được thực hiện khi họ ở nơi đông người, hoặc khi họ chỉ ở gần 1 người thôi. Kết quả là 20% số lần ở gần nhiều người có người nhặt giúp đồ, và con số này là 40% khi có 1 người.

Họ tiếp tục thực hiện 1 thí nghiệm táo bạo hơn. Trong thí nghiệm họ thuê vài người điền vào bảng trả lời câu hỏi. Sau đó vài phút họ thả khói vào căn phòng. Họ thực hiện 2 thí nghiệm. Thí nghiệm thứ nhất, người trả lời ở 1 mình, thí nghiệm thứ 2, có 3 người ở cùng 1 chỗ. Khi 1 mình, mọi người mất khoảng 5s phát hiện và lo lắng. Trong khi ở trong nhóm, người ta mất 20s mới chú ý. Khi một mình, đối tượng phát hiện ra khói, chạy khỏi phòng để báo về vụ việc. Còn khi ở trong nhóm, họ chỉ ngồi và quan sát người còn lại tới khi khói dày tới mức họ không nhìn thấy bảng câu hỏi nữa. Chỉ có 3/8 người chạy khỏi phòng và họ mất tầm 6 phút mới đứng dậy.

Sự xấu hổ là nguyên nhân gây ra phản ứng trong nhóm. Bạn thấy khói, nhưng bạn không muốn người ta nghĩ bạn là kẻ ngốc, nên bạn ngó quanh những người xung quanh để xem họ đang làm gì. Và ai cũng nghĩ vậy, Không ai phản ứng, và không ai thấy dấu hiệu cảnh báo. Người thứ 3 thấy 2 người còn lại bình thường, họ bớt sợ hơn.

Ai cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác về thực tế, do một hành vi tâm lý khác tên là ảo tưởng về tính minh bạch  (illusion of transparency). Bạn có xu hướng nghĩ một người khác nhìn vào bạn có thể nói cho bạn biết bạn nên nghĩ và cảm thấy gì. Thực tế là họ không thể, họ cũng nghĩ điều tương tự. Cuối cùng dẫn tới vô tri đa nguyên (pluralistic ignorance) - trạng thái mà tất cả mọi người đều nghĩ chung một điều nhưng lại nghĩ rằng mình là người duy nhất nghĩ như vậy.

Sau khi khói phủ đầy căn phòng, tất cả những người thí nghiệm cho biết trong lòng đều hoảng sợ, nhưng do chẳng ai có vẻ có biểu hiện gì cả, nên họ cho rằng chắc chỉ do họ lo lắng vậy thôi.

Các nhà khoa học tiếp tục đẩy thí nghiệm tiến xa hơn. Những người tham gia cũng trả lời câu hỏi trong phòng, trong khi ở một căn phòng gần đó, một phụ nữ la hét như thể bị gãy chân. Khi 1 mình, 70% số người rời phòng xem có chuyện gì xảy ra không. Khi ở trong nhóm, chỉ có 40%.

Hiệu ứng bàng quan càng trở nên mạnh mẽ khi bạn nghĩ người cần giúp đỡ bị tấn công bởi người quen của người đó.

Năm 1978, Lance Shotland và Margret Straw thực hiện 1 thí nghiệm cho mọi người thấy cảnh 1 cặp nam nữ đánh nhau, và nhận thấy mọi người đa phần không can thiệp khi người phụ nữ nói "Tôi không biết tại sao tôi lại lấy anh". 65% giúp khi cô này hét lên "Tôi không quen anh".

Ngoài ra, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần một người giúp đỡ là những người khác cũng cùng tham gia giúp. Bất kể là hiến máu, nhờ giúp thay lốp xe, làm rơi tiền, hay can thiệp vào trận xô xát, đều chỉ ra mọi người xúm vào giúp khi thấy một người làm gương.

######## (Đoạn này dùng ngôn từ chủ quan cá nhân)
Bài học:
Khi gặp nạn, nên kêu cứu một cách thông minh. Đừng kiểu la làng "Ối zời ơi, thằng zời đánh này nó đánh tôi" người ta tưởng mình quen nó mà không giúp thì khổ.

Thứ hai, không nên vì thiên kiến mà nhìn nhận sự việc lệch lạc. Do không thích một cái gì đó, mà cho rằng mọi thứ liên quan tới nó đều xấu xa mà bỏ qua những gì tốt đẹp, có thể học hỏi được là không nên. Việc nhiều người ghét mọi thứ liên quan tới Trung Quốc chắc cũng không khác gì ngày xưa coi mọi thứ liên quan tới tư bản đều là xấu xa.

Thứ ba, học cách quan sát thông minh. Bạn nên là người thông minh, chứ đám đông họ cũng không thông minh lắm đâu. Khó nhỉ. Phân biệt thật giả thật là khó.

Thứ tư, mình chuyên gõ sai từ thí nghiệm thành thí nghiệp =.=.


Notes:

Hiện tượng này đã được nhiều người viết (mấy vụ vô cảm thu hút nhiều sự chú ý mà). Tuy nhiên, thứ nhất nó nằm trong quyển You are not so smart, thứ 2 tôi thấy nó thú vị, thứ 3 người ta cũng không có dịch và nêu ra các thí nghiệm về hiện tượng này, nên viết lại chắc cũng không thừa thãi lắm.

Một trong những chuyện hay được trích dẫn về vấn đề này là vụ Kitty Genovese bị đâm chết gần khu phố cô ở. Báo chí hay mô tả vụ việc 38 nhân chứng thấy cô bị tấn công và không ai can thiệp. Tuy nhiên vừa đọc lại Wiki vụ này, thực tế là cô gái bị tấn công 3 lần ở 3 nơi khác nhau, có những chỗ khuất, và các nhân chứng không để ý và biết được sự nghiêm trọng của vụ việc, đa phần nghĩ đó là vụ tranh cãi giữa 1 cặp. Một số nhà tâm lý học cho rằng vụ việc này không phải ví dụ rõ ràng về Hiệu ứng bàng quan. Tôi đồng quan điểm với họ.
http://en.wikipedia.org/wiki/Murder_of_Kitty_Genovese (Chi tiết về vụ việc)

Wednesday, February 12, 2014

God trong The color Purple (Alice Walker)

The color Purple

Màu tía là truyện tiếng anh đầu tiên tôi đọc, cách đây gần 1 năm. Truyện dày 304 trang, qua lời kể nhân vật chính - một phụ nữ Mỹ gốc Phi thất học, nên câu cú trong truyện sai chính tả tùm lum. Ấy vậy mà tôi đọc liền tù tì chỉ trong 3 ngày, và không ngần ngại đánh giá 5*.

Truyện về một người phụ nữ tên Celie, bị cha của mình xâm hại tình dục khi 14 tuổi và sinh ra 2 đứa trẻ, đều bị chính người cha đó cho đi. Sau đó cô bị gả cho một người đàn ông góa vợ, độc ác, đánh đập cô bất cứ khi nào có thể. Celie trở thành cái bóng, cam chịu để tồn tại. Mọi chuyện thay đổi khi chồng cô mang về Shug, người đàn bà ông ta yêu suốt cuộc đời nhưng đã không lấy được. Shug là một ca sĩ, một phụ nữ hấp dẫn và nổi loạn, nhưng lúc ấy cô đang ốm hết mức.

Chính Celie đã chăm sóc Shug, từ đó hình thành tình cảm giữa 2 người - có lẽ là một thứ kết hợp giữa tình bạn và tình yêu (Shug kiểu như biosexual, có thể bị thu hút bởi cả 2 giới, còn Celie thì quá ghê tởm đàn ông sau những lần bị bạo hành nên chuyển qua thích phụ nữ). Cả 2 đã cùng khám phá ra việc chồng Celie - Albert đã giấu những bức thư của em gái Celie - Nettie về chuyện cô đã tìm ra cặp vợ chồng nhận nuôi 2 đứa con của Celie. Cô đã theo gia đình đó dạy học và truyền đạo ở quê hương châu Phi, và sau khi người vợ qua đời, cô đã chăm sóc những đứa trẻ và sau đó yêu , kết hôn cùng người chồng.

Celie ở đầu truyện là một cái bóng, thì ở cuối truyện đã trở thành một phụ nữ tự tin, có công việc kinh doanh riêng. Cô cũng khám phá ra người cha đối xử tàn tệ với cô không phải cha ruột của cô. Truyện kết thúc có hậu, khi Celie đoàn tụ cùng các con và em gái, và mọi người bỏ qua tất cả hận thù, sống yên ổn, an lành. Bên cạnh cuộc đời của Celie, xen kẽ là những mảnh đời phụ nữ khác: Sofia - người con dâu mạnh mẽ của Albert, đã đi tù vì động chạm tới một người da trắng, Squeak - người vợ thứ 3 của Albert ( k rõ có cưới không, không nhớ lắm), Shug Avery, những người thổ dân châu Phi, cuộc đời cha mẹ ruột của Celie...

Truyện là một bài ca đẹp về cuộc sống những người Mỹ gốc Phi sau khi được giải phóng khỏi chế độ nô lệ, về cuộc cách mạng của chính những người phụ nữ gốc Phi.

Một điều rất đẹp và ấn tượng trong truyện này khiến tôi nhớ mãi là quan điểm về Chúa. Tôi - với tư cách một kẻ dị ứng với những gì thái quá (đơn giản vì một khi cái gì đó là thái quá, người ta sẽ phủ nhận mọi thứ khác, độ mở của người đó sẽ giảm, điều này khiến tôi khó chịu) vốn không thích những tác phẩm tung hô bất kỳ một tôn giáo nào mù quáng. Tuy nhiên quan niệm về Chúa trong "The color Purpose" lại rất đẹp.

Celie trước những bất hạnh trong đời mình đã mất niềm tin vào God. Nhưng sau này khi được Shug giảng giải, một lần nữa Celie đã lấy lại niềm tin. Vậy God trong "The Color Purple" là gì?

"God is inside you and inside everybody else. You come into the world with God. But only them that search for it inside find it
....

It? I ast. Yeah, It. God ain't a he or a she, but a It.

But what do it look like? I ast.

Don't look like nothing, she say. It ain't a picture show. It ain't something you can look at apart from anything else, including yourself. I believe God is everything, say Shug. Everything that is or ever was or ever will be. And when you can feel that, and be happy to feel that, you've found It.

My first step from the old white man was trees. Then air. Then birds. Then other people. But one day when when I was sitting quiet and feeling like a motherless child, which I was, it come to me: that feeling of being part of everything, not separate at all. I knew that if I cut a tree, my arm would bleed. And I laughed and I cried and I run all around the house. I knew just what it was. In fact, when it happen, you can't miss it. It sort of like you know what, she say, grinning and rubbing high up on my thigh.

People think pleasing God is all God care about. But any fool living in the world can see it always trying to please us back. Yeah? I say. Yeah, she say. It always making little surprises and springing them on us when us least expect."
Làm biếng chưa dịch ra nữa :P
P/S: Cuối cùng, xin giải thích đôi chút lý do về việc viết review này. Hôm qua tôi đọc 1 truyện tranh tên là Tower of God ( thật ra đọc 30 chap chưa có j liên quan tới chúa hết :)) ), gần đây đọc 1 quyển sách về người Do Thái - về việc người Do Thái sáng tạo ra chúa, một chúa không hình thể chỉ tồn tại từ chính sự hình dung của mỗi người. Điều đó khiến tôi nhớ tới câu chuyện 1 người bạn của tôi kể với tôi về quan điểm của Einstein về chúa và niềm tin (thực ra thì là 1 đoạn đối thoại lằng nhằng, kết luận là chả ai chứng minh được ai đúng ai sai :)) ). Cảm thấy có chút ít mâu thuẫn giữa câu truyện tôi đi search thử quan điểm tôn giáo của Einstein thì thu được " He said he believed in the "pantheistic" God of Baruch Spinoza, but not in a personal god, a belief he criticized" - một quan điểm hiểu nôm na God chính là Tự nhiên. Từ đó, lại khiến tôi nhớ về quan điểm của God trong The Color Purple. Haha, giải thích hơi lằng nhằng một chút.

My life as a quant - To: Friends in QCF2013



Đây sẽ là một bài viết nhỏ về quãng thời gian đầu tiên làm việc tại Goldman Sach với tư cách một Quantitative Analyst (quant) của Emanuel Derman, một nhà vật lý lý thuyết chuyển qua làm việc trong ngành tài chính, mà tôi muốn dành tặng các thành viên trong lớp QCF 2013. Nó không chỉ là kinh nghiệm và thực tế làm việc của nghề quant, đối với tôi câu chuyện của Derman chứa đựng các bài học hữu dụng trong bất kỳ môi trường nào, dù là làm việc hay học thuật. Hy vọng nó có thể khích lệ tinh thần mọi người, cũng như giúp mọi người học hỏi được chút nào đó.

Công việc đầu tiên của Derman là hoàn thiện hơn mô hình cùng phần lập trình định giá quyền chọn trái phiếu mà sếp ông đã phát triển. Mô hình này là bản chỉnh sửa mô hình định giá quyền chọn cổ phiếu Black-Scholes.

Mô hình này có một vài nhược điểm:
- Nó định giá quyền chọn trái phiếu ngắn hạn khá chính xác, nhưng không phù hợp với các trái phiếu dài hạn
- Mô hình không thể hiện được sự liên hệ giữa các trái phiếu có kỳ hạn khác nhau ( khác với cổ phiếu của từng công ty có thể độc lập, trái phiếu kỳ hạn khác nhau có mối liên hệ chặt chẽ với nhau).
- Giao diện phần mềm định giá khó sử dụng. Các nhà giao dịch mỗi lần đưa ra giá cả phải nhập tương đối nhiều đầu vào chỉ trong 1 dòng (giá hiện tại, kỳ hạn, coupon, thời hạn đáo hạn quyền chọn, giá thực hiện, lãi suất ngắn hạn,..). Mỗi lần chỉ muốn thay đổi một đầu vào họ lại phải lặp lại quá trình phiền phức này lần nữa.
- Mô hình được viết bằng FORTRAN, trong khi ngành đang dần chuyển sang sử dụng C.

Derman sớm viết lại chương trình bằng C. Nhưng thành công lớn nhất của mô hình mới là giao diện dễ sử dụng, giúp Derman tạo dựng uy tín với các trader.

Cụ thể, chương trình cho phép đầu vào và đầu ra cùng xuất hiện trên 1 màn hình. Trader chỉ cần bấm nút "Calculate" để định giá, muốn thay đổi 1 phần đầu vào họ chỉ cần thay đổi mỗi đầu vào đó mà không cần nhập các dữ liệu khác không đổi. Đặc biệt, chương trình cho phép lưu các thông tin của vụ trao dịch vào một file trong máy tính để xem lại. Điều này góp phần không nhỏ tăng hiệu quả làm việc của các trader.

Nhiệm vụ thành công đầu tiên của Derman đã mang lại cho ông cơ hội làm việc quý giá với Fischer Black - đồng tác giả của phương trình Black-Scholes nổi tiếng. Fischer, Derman và một nhà lập trình tên Bill Toy đã cùng nhau xây dựng mô hình định giá được biết đến rộng rãi với tên FDT (viết tắt tên các ông).

Thời điểm đó, người ta vẫn chưa nghĩ ra cách định giá quyền chọn trái phiếu cho đúng. Đa phần các học chỉnh sửa từ mô hình định giá quyền chọn cổ phiếu Black-Scholes để định giá quyền chọn trái phiếu, tuy nhiên phương pháp này không hiệu quả cho lắm. Trái phiếu khác cổ phiếu ở chỗ giá trị tương lai của trái phiếu là xác định.

Như trong 2 đồ thị thể hiện giá cổ phiếu và trái phiếu trong 30 năm, sau đúng 20 năm, giá trái phiếu hội tụ về đúng giá hiện tại của nó là 100$.




Với kinh nghiệm làm việc thực tế, sếp của Derman (và một số người làm việc trong ngành) không xây dựng mô hình trên giá trái phiếu mà trên lợi suất của nó (trong thực tế, khách hàng và các trader cũng chỉ quan tâm tới lợi suất). Lợi suất trái phiếu là tỷ lệ lợi nhuận trung bình hang năm của trái phiếu khi bạn mua ở giá hiện tại, hang năm nhận coupon, và đến cuối kỳ nhận khoản trả lãi cuối cùng. Lợi suất trái phiếu này có dynamic tượng tự dynamic của cổ phiếu.

Tuy nhiên, như ở phần trên đã đề cập bên trên, các cổ phiếu có thể được coi như các biến độc lập, thì các trái phiếu lại giống một mô hình dây xích, quan hệ chặt chẽ với nhau (1 trái phiếu 5 năm thì sau 2 năm sẽ trở thành 1 trái phiếu 3 năm). Phải mô hình hóa toàn bộ các loại trái phiếu chứ không thể chỉ 1 loại riêng biệt.

Nhóm của Derman đã xây dựng mô hình với ý tưởng coi trái phiếu dài hạn là một loạt trái phiếu ngắn hạn. Ví dụ: lợi suất trái phiếu 2 năm có được nhờ lợi suất 2 khoản đầu tư liên tiếp 2 năm: khoản đầu tư năm thứ nhất đã biết, năm thứ 2 chưa biết. Giá trái phiếu 2 năm hiện tại phụ thuộc và phân bố lợi suất 1 năm trong tương lai chưa biết đó.

Nhóm của ông dần dần hoàn thiện mô hình và thay thế bước thời gian từ 1 năm xuống ngắn hơn: hàng tháng, hàng tuần,... và thay thế bằng mô hình lưới như dưới đây.


Mô hình đã khắc phục được nhược điểm "không thống nhất giá giữa các loại trái phiếu" và được sử dụng để định giá ở Goldman.

Tuy nhiên mô hình nào cũng được xây dựng trên giả định, giả định của mô hình này là: thị trường chỉ quan tâm tới một yếu tố duy nhất là lãi suất ngắn hạn, toàn bộ lãi suất dài hạn chỉ đơn giản phản ánh quan điểm về lãi suất và biến động lãi suất tương lai mà thôi. Điều này không nhất thiết hoàn toàn đúng.

Tới năm 1990, gần 4 năm sau khi được phát triển, công trình này được công bố trên Financial Analysts Journal và được chào đón nhiệt liệt mặc dù trước đó có các mô hình tương tự được công bố như các mô hình lãi suất của OldrichVasicek, Cox, Ingersoll, Ross,...

Lý do Derman giải thích cho sự thành công mô hình của ông có 3 điểm:
- Mô hình xuất phát từ thực tế, tập trung vào các quyền chọn cổ phiếu vào đúng thời điểm thị trường này phát triển, trong khi các mô hình khác lại tập trung vào mô hình hóa các vấn đề chung của đường lợi suất.
- Thứ hai, mô hình được trình bày dưới mô hình cây nhị thức, đơn giản, dễ ọc, cũng như gần với các thuật toán sử dụng cho các chương trình máy tính.
- Lý do cuối cùng, trong khi các mô hình khác đưa ra các công thức gải thích không khớp với định dạng các đường lợi suất, thì mô hình BDT lại có thể được chỉnh sửa cho hầu hết bất kỳ đường nào, do đó có thể sử dụng trong giao dịch ngay.

This article (maybe you can call it summary of a part of a book) is about the experience of a successful quant. I have learnt things from it: the way pragmatist of the industry works, how you thinks “out of the box” or the importance of communication. It also blow my mind on the way these genius create models and shape some kind of dreams for me. You can see the graph on stock and bond prices, aren’t they beautiful?
I write it for my class’s friends, both who decide to choose another path and who continue this path. I hope it could encourage you as it did to me, and it will help you to work out in both academic and working environment. Whatever path you choose, I hope you will be happy and proud of yourself. Best wishes!

Thursday, February 6, 2014

[Tâm lý] Confirmation Bias - Thiên kiến xác nhận (You are not so smart series 1)

Con người có xu hướng tìm kiếm thông tin và bằng chứng củng cố suy nghĩ của mình hơn là tìm hiểu những ý kiến trái ngược. Điều này được gọi là Thiên kiến xác nhận. Thiên kiến này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, cũng như nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực liên quan tới việc ra quyết định như: đầu tư, nhân sự, chính trị,... Hiểu về nó sẽ giúp bạn có cái nhìn gần với sự thật hơn.



Motivation: Bài báo mang tựa "The New-boy Network: What do job interviews really tell us?" (không nhớ tựa tiếng Việt) trích từ cuốn "What the dog saw" của Malcolm Gladwell. Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của Nolan Myers, một sinh viên mới ra trường được 3 nhà tuyển dụng lớn chào đón: tác giả, nhà tuyển dụng của Tellme (một công ty trong mơ ở Silicon Valley) và CEO của Microsofts dù mới tiếp xúc với cậu trong thời gian khá ngắn, lần lượt: tầm 90', gần 1 tiếng, vài chục giây.

Câu chuyện không tập trung ở lý do Myers được ưa thích mà ở chỗ, liệu chỉ qua một buổi gặp gỡ, hay thậm chí là vài chục giây có đủ để một người đưa ra đánh giá về một người khác hay không???

Câu trả lời là có. Người ta không gặp khó khăn gì trong việc đánh giá người khác dủ chỉ tiếp xúc có ... 2s. Bài báo đồng thời dẫn chứng một thí nghiệm chứng minh: con người có xu hướng nhìn nhận mình có cảm tình với người khác hay không chỉ trong 2s đầu tiếp xúc.

Câu hỏi tiếp theo: Đánh giá này có đúng hay không???

Câu trả lời: có thể đúng có thể sai. Đương nhiên, để biết và hiểu 1 người, 2s cũng giống như "nhìn mặt mà bắt hình dong", trong bài báo cũng viết: việc tiếp xúc với 1 người 1 lần giống như thu mẫu một hiện tượng, xác suất chính xác khó biết đâu mà lường.

Hậu quả: Như ở trên, trong 2s đầu một người bình thường đã quyết định mình thích hay không thích 1 người, và sau đó, các đánh giá tiếp sau đều chịu ảnh hưởng của sự nhìn nhận đầu tiên này (ít nhất trong ngắn hạn).

Bài viết này đề cập tới một vấn đề tôi từng nghe sơ qua trong cuốn "You are not so smart", một cuốn tâm lý học, đề cập tới những lầm tưởng con người tưởng mình biết mà hóa ra lại không.

Lầm tưởng bên trên đề cập đến gọi là "Confirmation Bias", và không chỉ giới hạn trong đánh giá con người:

Bạn cho rằng: Nhận định của mình là đúng đắn, có được sau thời gian dài đúc rút kinh nghiệm một cách hợp lý, khách quan.

Sự thực là: Nhận định của bạn thực ra rút ra sau một thời gian dài chú ý vào các thông tin khẳng định niềm tin của bạn, trong khi lại lờ đi những gì trái ngược với nó.

Cuốn sách đề cập tới một ví dụ tương đối thú vị, về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008. Nhà nghiên cứu Valdis Krebs ở orgnet.com phân tích xu hướng mua sách trên Amazone và phát hiện ra những người ủng hộ Obama cũng đồng thời là những người mua các cuốn sách nói tốt cho ông.

Người ta không mua sách để có thêm thông tin, mà để khẳng định niềm tin của họ. Bạn muốn cách nhìn nhận thế giới của bạn là đúng, nên bạn tìm kiếm các thông tin khẳng định niềm tin của mình, và lờ đi các bằng chứng và ý kiến trái ngược.

Một ví dụ tương tự được tiến hành ở Đại học Minnesota vào năm 1979 do Mark Snyder và Nancy Canter tiến hành. Trong đó, người ta đọc thông tin về cuộc sống hàng ngày trong 1 tuần của một cô Jane tưởng tượng nào đó. Trong tuần, cô Jane làm cả những việc cho thấy cô là một người hướng nội, cũng như những việc cho thấy cô là người hướng ngoại.

Các ứng viên được chia thành các nhóm: nhóm 1 được hỏi liệu cô có hợp làm thủ thư không, nhóm 2 được hỏi liệu cô có hợp làm người môi giới nhà đất không. Trong nhóm thủ thư, người ta nhớ cô là 1 người hướng nội, trong khi nhóm môi giới lại nhớ cô là người hướng ngoại. Sau đó, người ta lại hỏi liệu cô có hợp với nghề khác nghề gợi ý ban đầu không, kết quả là những người được hỏi giữ nguyên đánh giá ban đầu của mình.

Qua hàng năm, không bao giờ tìm tới các thông tin trái ngược, trong khi lại sưu tầm ngày càng nhiều thông tin cùng chiều với niềm tin, người ta càng trở nên tự tin vào cách nhìn nhận của mình, cho tới khi trở thành định kiến không thể thay đổi.

Tôi cũng xin góp vui một ví dụ tôi chứng kiến. Một người bạn tôi quen, có lẽ trải qua một số chuyện nên rất tin vào tâm linh. Có một thời gian ầm ỹ vụ chương trình "Như chưa bao giờ có cuộc chia ly" đưa thông tin Phan Thị Bích Hằng tìm mộ liệt sĩ lại ra mảnh sành và răng heo. Sau đó có rất nhiều thông tin trái chiều, có thông tin nêu một loạt những vụ tìm nhầm mộ, có thông tin lại bảo MC chương trình làm vậy để hạ thấp uy tín PTBH nhằm đưa khách về công ty tìm mộ mà cô này có cổ phần.

Tôi không biết thực hư câu chuyện ra sao. Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy là phản ứng của người anh trước các thông tin. Trước tin đầu tiên, giọng điệu anh khá bình tĩnh, nêu các luận điểm bảo vệ, chỉ ra các điểm vô lý trong tin "Như chưa bao giờ có cuộc chia ly" đưa ra. Tuy nhiên khi tin thứ 2 đưa lên thì lại tin tưởng ngay, mặc dù đó chỉ là 1 bài viết chưa hề được xác thực.

Thiên kiến này đôi khi cũng không phải toàn gây hại. Tôi biết rất nhiều người quen của mẹ tôi, vốn là giảng viên Hóa trong 1 trường đại học có con cái giỏi các môn tự nhiên. Một phần của sự thành công trong học tập đó theo tôi là thiên kiến họ có năng khiếu (nhờ đó mà họ tự tin hơn, yêu thích và say mê hơn, được đầu tư nhiều hơn, cố gắng hơn...).

Tác động của thiên kiến này xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Như ví dụ ở trên trong tuyển dụng, chính trị. Trong đầu tư, một người được nghe trước những điều tốt đẹp, có ấn tượng ban đầu tốt đẹp về một công ty sẽ dễ rơi vào thiên kiến tìm thêm những thông tin củng cố điều này.

Lời khuyên: Khoa học cho thấy bạn sẽ tới gần sự thật hơn khi tìm các bằng chứng trái ngược niềm tin của mình. Có thể trong cuộc sống hàng ngày, đây cũng là một phương pháp hữu dụng.

Bài học rút ra:
1. Cố mà gây ấn tượng tốt trong 2s đầu gặp mặt.
2. Để nhìn nhận mọi việc xác đáng, hãy thử đi tìm những bằng chứng và tài liệu trái với ấn tượng ban đầu của bạn.